105 năm đã qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó là anh Ba phụ bếp trên tàu) lần đầu đặt chân đến nước Pháp – mẫu quốc của chủ nghĩa thực dân, với mong muốn tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Sau một tháng vượt biển, người phụ bếp trên tàu Amiral La Touche - Tréville đến Marseille, đánh dấu lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Pháp. Người ở nước Pháp gần 7 năm (1911,1912,1917-1923,1927), qua 5 thành phố, bến cảng, từ Marseille, Le Havre, Saint Adresse, Dunkerque… trong đó chủ yếu là thủ đô Paris.
Tiếp đến Marseille, Bác Hồ đã cùng con tàu tới cảng Le Havre, và ngày nay, tại ngôi nhà số 1, phố Admiral Courbet, Le Havre - nơi Người từng sống, có đặt một biển đồng lưu niệm ghi lại dấu chân Người..
Theo một tư liệu mới được phát hiện vào năm ngoái, có địa điểm tại thị trấn ven biển ngoại ô Le Havre có tên là Saint Adresse - là nơi Bác từng làm vườn thuê cho một gia đình giàu có trong thời gian đợi sửa tàu. Tại buổi lễ tôn vinh sự có mặt của Bác tại thành phố này tổ chức năm ngoái, Thị trưởng thành phố đã khẳng định: “Dấu vết của một giấc mơ cũng thực như dấu vết của một bước chân”.
Dù chỉ trong khoảng một tháng ngắn ngủi lưu lại Sainte Adresse khi con tàu La Touche - Tréville dừng chân để sửa chữa trong giai đoạn 1911-1912, người thợ phụ bếp, sau đó là người thợ làm vườn “Anh Ba” - đã để lại một sợi dây kết nối nhân văn đến kỳ lạ. Ngôi nhà ngày xưa Người từng làm vườn nay vẫn còn đó, khu vườn vẫn còn nhưng thu hẹp lại và thay vào đó là hai tòa chung cư cao. Và sắp tới, ở nơi đây, một dự án nghiên cứu cụ thể sẽ được tiến hành giữa chính quyền Sainte Adresse với Việt Nam
Tại Paris, có ít nhất 5 địa điểm Bác từng sống trong thời gian hoạt động cách mạng tích cực. Thiêng liêng nhất và được nhắc tới nhiều nhất là tại địa điểm số 9 ngõ Compoint, nơi Người sống từ tháng 7/1921 đến 14/3/1923. Trong hoàn cảnh điều kiện sống thiếu thốn, Nguyễn Ái Quốc đã cho ra đời nhiều tác phẩm bài báo, truyện ngắn, kịch… tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản nói chung và thực dân Pháp tại Đông Dương. Ngày nay, ngôi nhà đã không còn như trước, trở thành một khu chung cư cao tầng và bên dưới có gắn tấm biển đồng ghi lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây. Căn phòng Người từng sống tại đây được chuyển về tái dựng tại Bảo tàng Lịch sử sống tại công viên Montreau thuộc thành phố Montreuil ngoại ô Paris. Cũng tại công viên, nhiều bà con người Việt và bạn bè Pháp thường xuyên qua lại thăm và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tại Paris, phải kể đến các địa điểm như nhà số 56 phố Monsieur Le Prince - nơi Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Tổng thống Mỹ dự Hội nghị hòa bình Versaillé đề nghị ủng hộ bản Yêu sách của nhân dân An Nam, thư đề ngày 18/6/1919; hay ngôi nhà số 6 phố Villa De Gobellins ở quận 13 Paris - nay tấp nập người châu Á- nơi Nguyễn Ái Quốc ở chung với hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.
Các tài liệu của mật thám Pháp theo dõi Người được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp cũng như nghiên cứu của các chuyên gia Pháp đều làm sáng tỏ lý tưởng và mong mỏi tìm con đường cứu nước cho dân tộc của nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc ngay từ những ngày đầu. Đồng thời, nhà cách mạng Hồ Chí Minh có cái nhìn khách quan và nhân văn đối với nhân dân Pháp – trong đó có không ít nhân dân yêu chuộng hòa bình – khác với bọn thực dân Pháp tại Đông Dương.
Lê Vi
Các tin cùng chuyên mục:
-
(09/07/2024)
-
Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (31/12/2023)
-
Tìm hiểu quy trình thành lập Hội hữu nghị của Việt Nam với nước ngoài (31/12/2022)
-
Trường Quản trị Normandi (Pháp) và hợp tác phát triển nguồn nhân lực cấp cao với Việt Nam (31/12/2022)
-
Hội nghị Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á -Thái Bình Dương (31/12/2022)
- Khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại tỉnh Phú Yên năm 2024
- Phú Yên 2024
- Clip 35 năm tái lập tỉnh Phú Yên
- Giới Thiệu tổng quan Phú Yên 2024
- Đối ngoại Phú Yên 2023
Liên kết website
Thống kê truy cập